Saturday, October 01, 2005

Đôi nét về giáo dục đại học ở Mỹ

Source

Nhìn chung, bậc đại học (Undergraduate/ Bachelors program) ở Mỹ kéo dài 4 năm: Năm thứ nhất gọi là "Freshman Year", năm thứ hai: "Sophomore Year", năm thứ ba: "Junior Year", năm thứ tư - "Senior Year". Hai năm đầu học các môn cơ bản, năm thứ ba bắt đầu học chuyên ngành. Bậc cao học (Graduate Study) có hai cấp: Thạc sĩ (master degree) nhìn chung kéo dài 2 năm, và Tiến sĩ (PhD) từ 5 đến 7 năm. Trường Đại học Y khoa là một ngoại lệ. Muốn vào trường, sinh viên phải có bằng tốt nghiệp đại học thuộc một số ngành như sinh hoá, sinh vật...Chương trình kéo dài 4 năm nữa, sau đó phải thực tập từ 2 đến 4 năm. Như vậy, để hành nghề chữa bệnh, cần phải học và thực tập từ 10-12 năm! Chúng ta cần phân biệt Đại học tổng hợp (University) với Đại học đơn ngành (College). "College" chỉ có một ngành học, có thể độc lập hoặc thuộc một "Univerrity"; còn "University" có nhiều ngành, thường bao gồm nhiều "College". Vì thế, những trường ở Việt Nam như Đại học luật hay Đại học thương mại dịch sang tiếng Anh, theo tôi, phải là "College" chứ không phải là "University". Các trường đại học Mỹ có thể chia ra làm 6 loại chính: 1. Các trường của bang (State College hoặc University ): do chính phủ các bang quản lý và cung cấp tài chính. Mỗi bang ở Mỹ có ít nhất một trường Đại học tổng hợp và một số trường đại học đơn ngành loại này. 2. Các trường tư (Private College hoặc University): Thường thu học phí cao hơn so với các trường của bang và thường nhỏ hơn về quy mô. 3. Các trường địa phương (Community College): thuộc sự quản lý của các quận hoặc thành phố. Các trường này thường tổ chức các lớp buổi tối cho những người phải làm việc ban ngày. Tuy nhiên, một số quốc gia không công nhận bằng do các trường này cấp. 4. Các trường nghề (Professional School): đào tạo một số chuyên môn như Hội hoạ, Âm nhạc, Kỹ thuật, Thương mại.... Các trường này có thể thuộc một trường Đại học tổng hợp hoặc độc lập. 5. Các Viện công nghệ (Institute of Technology): dạy khoa học và công nghệ trong vòng ít nhất bốn năm. Một số cũng nhận nghiên cứu sinh. 6. Các trường của Nhà thờ (Schools run by Church): Nhiều trường đại học Mỹ (College và University) do các tổ chức tôn giáo thành lập và quản lý. Phần lớn các trường này tiếp nhận cả sinh viên thuộc các tôn giáo khác, nhưng ưu tiên những người theo tôn giáo của họ. Sinh viên các trường này thường bắt buộc phải học Kinh thánh và đi lễ nhà thờ. Việc học tập ở Mỹ rất tốn kém. Mức chi tiêu tối thiểu của một sinh viên ở các trường công vào khoảng 10 ngàn đô la/năm, còn ở các trường tư khoảng 35 ngàn đô la. Vì thế, trừ một số người được nhận học bổng hoặc xuất thân từ gia đình giàu có, sinh viên Mỹ hầu hết vừa học vừa làm, một số làm việc ngay tại trường. Việc vừa học vừa làm, theo tôi, là một yếu tố quan trọng khiến sinh viên Mỹ tự lập hơn nhiều so với sinh viên các nước khác. Nhiều người bỏ dở chương trình học, nhiều năm sau mới tiếp tục học trở lại và thi tốt nghiệp. Trong mọi trường hợp, khi ra trường, nhiều người trong số họ không chỉ đã có công ăn việc làm, mà còn có kinh nghiệm giao tiếp, có quan hệ, có thái độ thực tiễn về vấn đề tài chính, và nhất là có bản lĩnh trong việc hoạch định tương lai.
Ngô Tự Lập (Từ Normal, Hoa Kỳ) Vietnamnet

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home